Những điều tân sinh viên cần biết trước khi ở Ký túc xá ĐHQG TPHCM

Ký túc xá ĐHQG

Ngày tựu trường của các tân sinh viên đang cận kề rồi. Ắt hẳn những bạn có ý định ở Ký túc xá ĐHQG đang rất thắc mắc về điều kiện sinh hoạt cũng như cơ sở vật chất ở đây và liệu KTX có phải môi trường tốt để học tập và làm việc. Hãy cùng Langf.vn giải đáp những câu hỏi trên qua bài viết dưới đây nhé!

Nằm trên địa bàn giáp ranh giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, Ký túc xá ĐHQG TPHCM có diện tích 42,08 ha, gồm khu A (và A mở rộng) và khu B với 47 tòa nhà từ 5 đến 16 tầng. Dự kiến, Ký túc xá tiếp nhận tối đa khoảng 40.000 sinh viên nội trú.

1. Ký túc xá ĐHQG TPHCM gồm có 2 khu A (và A mở rộng) và khu B

Ký túc xá Khu A

Khu A của Ký túc xá tọa lạc bên cạnh Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2, theo quy hoạch bao gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng với sức chứa 12.000 chỗ ở do ĐHQG TP.HCM và các tỉnh thành xây dựng.

Nhìn chung, cơ sở vật chất tại khu A cũng đã phải chịu nhiều sự ảnh hưởng của năm tháng nên đa phần đã có sự xuống cấp. Trong hiện tại và tương lai, Ký túc xá khu A dần dần sẽ được giảm tải các hoạt động về lưu trú dành cho sinh viên.

Ở đây, để di chuyển giữa các tầng, sinh viên vẫn phải sử dụng thang bộ chứ không có thang máy. 

Một góc KTX khu A

Ký túc xá Khu A mở rộng

Khu A mở rộng tọa lạc cạnh khu A của Ký túc xá, theo quy hoạch gồm 6 đơn nguyên nhà 12 tầng với sức chứa 10.000 chỗ ở do Chính phủ xây dựng.

Khác với Ký túc xá khu A, thì Khu A mở rộng được trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn, có thang máy, đồng thời kết cấu phòng cũng có những sự khác biệt. Đổi lại, diện tích của từng phòng thường nhỏ hơn tương đối so với phòng của khu A.

Lưu ý: Chỉ sinh viên thuộc trường nằm trong khối ĐHQG TPHCM mới được đăng ký ở Ký túc xá khu A và khu A mở rộng.
Tòa AH2 – Ký túc xá khu A mở rộng

Ký túc xá Khu B

Khu B của Ký túc xá ĐHQG TPHCM cách xa Ký túc xá khu A khoảng 2,5 km theo đường chim bay, theo quy hoạch gồm 19 đơn nguyên nhà từ 12 đến 16 tầng với sức chứa 40.000 chỗ ở do Chính phủ xây dựng.

Kí túc xá khu B – ĐHQG được khởi công xây dựng năm 2000 với mức kinh phí 3.500 tỷ đồng. Cho đến nay, 28 khối nhà ở có sức chứa 40.000 sinh viên đã hoàn tất và đang được đưa vào sử dụng. Nhìn từ xa, những tòa nhà cao 12-16 tầng trong những những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ giữa khu đô thị đầy cây xanh. Ngoài việc phục vụ nhu cầu ăn ở của sinh viên, mỗi nhà ở kí túc xá còn cung cấp thêm dịch vụ giải trí như thư viện, cà phê, siêu thị, phòng tập gym, các câu lạc bộ văn hóa… Hiện tại, kí túc xá có cả dịch vụ phòng cao cấp bao gồm cả máy lạnh và giường đệm cho sinh viên cũng mức giá cũng khá hợp lý.

Xem thêm  20+ Việc làm tại các quán ở Làng Đại học dành cho sinh viên

Ngoài ra, lối vào các tòa nhà tại đây luôn có bảo vệ và camera giám sát 24/24h, bảo đảm an toàn tối đa cho tài sản của sinh viên.

Ký túc xá khu B cho phép sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trường Đại học, Cao đẳng khác ngoài Đại học Quốc gia đăng ký ký túc.
Ký túc xá khu B – Ký túc xá hiện đại nhất Đông Nam Á

2. Thủ tục đăng ký nội trú Ký túc xá ĐHQG TPHCM như thế nào?

Để thuận tiện hơn và tránh các trường hợp không đáng có trong quá trình đăng ký nội trú tại Ký túc xá ĐHQG TPHCM, tân sinh viên phải chú ý và nắm rõ các bước sau:

–         Bước 1: Nộp các loại giấy tờ:

  • 02 bản photo chứng minh nhân dân (photo rõ mặt và số, có công chứng);
  • 01 bản photo thẻ sinh viên hoặc hồ sơ chứng minh đã làm thủ tục nhập học và trở thành sinh viên của trường (biên nhận hồ sơ xác nhận nhập học, phiếu xác nhận, biên lai hoặc hóa đơn thu tiền học phí…);
  • 01 bản photo thẻ Bảo hiểm Y tế, nếu sinh viên không có thẻ bảo hiểm y tế, bắt buộc nộp bản photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu gia đình (không cần công chứng);
  • Hình thẻ kích thức 4×6 (nền xanh, áo sơ mi, chụp rõ khuôn mặt);
  • Đối với sinh viên các trường ngoài ĐHQG-HCM phải có Đơn đăng ký ở ký túc xá, có xác nhận của nhà trường.

–         Bước 2: Đến điểm chụp hình và nhận thông tin phòng ở;

–         Bước 3: Sinh viên đóng các khoản phí tại điểm tiếp nhận;

–         Bước 4: Sinh viên khai hồ sơ ở Ký túc xá trực tuyến;

–         Bước 5: Sinh viên đến gặp Trưởng nhà để nhận phòng ở.

Lưu ý: Đối với sinh viên các trường ngoài ĐHQG-HCM phải có Đơn đăng ký ở ký túc xá, có xác nhận của nhà trường.

Các bạn muốn ở chung với bạn bè, nên đi cùng lúc với nhau sẽ dễ dàng hơn và xin phép trực tiếp tới các cô chú phụ trách làm giấy tờ ở đó. Sau khi hoàn thành xong thủ tục rồi, các bạn được đi tìm phòng ngay. Khi lên nhận phòng bạn có thể ở luôn hoặc về nhà chuẩn bị đồ đạc trước rồi dọn lên sau cũng không thành vấn đề.

Đăng ký nội trú tại KTX ĐHQG

Sinh viên chuẩn bị giấy tờ xong rồi thì đến ký túc xá để trực tiếp làm thủ tục cần tới các địa điểm sau:

Khu A: 

Sinh viên ĐH Quốc tế, ĐH Công nghệ Thông tin, Khoa Y ĐHQG-HCM: Văn phòng BQL cụm nhà AF (Nhà A1).

Sinh viên ĐH Bách khoa, Phổ thông năng khiếu ĐHQG – HCM: Văn phòng BQL cụm nhà AH (Nhà AH1).

Khu B:

Sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Kinh tế – Luật ĐHQG-HCM: Văn phòng BA1-BA2.

Sinh viên các trường còn lại: Văn phòng BQL Cụm nhà BE (Nhà E1).

Chú ý: Do tình hình dịch bệnh nên năm học 2021 - 2022 tất cả sinh viên (và tân sinh viên) đều phải đăng ký phòng ở qua hình thức online.

>>>Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục đăng ký phòng ở Ký túc xá ĐHQG TPHCM!

3. Chi phí sinh hoạt tại Ký túc xá ĐHQG TPHCM?

Ký túc xá có nhiều loại phòng cho SV lựa chọn như: 

– Phòng 8 sinh viên: 140.000 đồng/tháng/SV

– Phòng 6 sinh viên: 190.000 đồng/tháng/SV

– Phòng 4 sinh viên: 350.000 đồng/tháng/SV

– Phòng 4 sinh viên có máy lạnh: 580.000 đồng/tháng/SV

– Phòng 2 sinh viên: 600.000 đồng/tháng/SV

Tổng chi phí mỗi tháng các bạn phải đóng gồm tiền phòng (nếu ở phòng 8), điện, nước, internet là khoảng 250.000 – 500.000 đồng/người/tháng, rẻ hơn rất nhiều so với thuê trọ bên ngoài.

Xem thêm  Đông Du Tea Làng đại học giảm 10% với thẻ E-member Ăn Chơi Sinh Viên

Bên cạnh đó, chi phí ăn uống trong và ngoài Ký túc xá nói chung cũng luôn ở mức rất “sinh viên”, nếu không muốn nói là thấp nhất TPHCM. Mỗi bữa ăn (bánh mì, cơm, bún, hủ tiếu) cơ bản chỉ xung quanh 10.000-25.000đ/người. Nếu các bạn ăn 1 ngày 3 bữa, thì vị chi một tuần cũng chỉ tốn xấp xỉ khoảng 500.000.

Tuy rẻ là vậy, các tân sinh viên cũng không nên phung phí quá mức vào các khoản khác mà hãy cân bằng các khoản chi tiêu nhé. 

>>>Xem thêm: Những vật dụng giá sinh viên cần thiết nhất khi ở Ký túc xá ĐHQG TPHCM!

Phòng 8 người tại KTX khu B

4. Hệ thống dịch vụ trong Ký túc xá ĐHQG TPHCM

Nhà ăn

  • Khu A, khu A mở rộng: A3, A4, A5, A6, A8, A13, G3, H2;

  • Khu B: B3, B4, BA4, C3-C4, D2, D5-D6, E1.

Căn tin phục vụ ăn sáng, trưa, chiều

  • Khu A: A3, A9, A10, A11, A12, A16, A18;

  • Khu B: B1, B3, B4, B5 và BA4;

  • Các quán phục vụ ăn khuya: A12 và B1.

Các điểm giữ xe sinh viên

  • Khu A, khu A mở rộng: A2, A4, A5, A6, A9, A20, AG3, AG4, AH1-AH2;

  • Khu B: Nhà B1, B3, BA3-BA5, C1-C2, D3-D4, D5

Internet

Dịch vụ cung cấp đường truyền Internet tại KTX ĐHQG cung cấp các dịch vụ internet theo các gói cước: gói theo dung lượng, gói một ngày, một tuần, nửa tháng, một tháng; gói cước cho một thuê bao sử dụng cho một thiết bị; gói Room cho cả phòng. Gồm các nhà cung cấp dịch vụ:

  •  Meganet

  •  Mạng dây ký túc xá

  •  Campus

>>> Xem thêm: Cách lựa chọn mạng Internet “tốt nhất” ở Ký túc xá ĐHQG TPHCM

Có rất nhiều món ngon chờ đợi mọi người khám phá

Dịch vụ giặt quần áo

Khu A: Trung tâm giặt đồ tầng trệt A12, Trung tâm giặt đồ tầng 1 AH1-H2

Khu B: Trung tâm giặt đồ tại nhà BA4, B2, D6,E1 Ký túc xá Khu B.

>>> Xem thêm: Bỏ túi danh sách tiệm giặt ủi dành cho sinh viên Làng đại học!

Dịch vụ thiết yếu khác

  • Đại lý Bưu điện A7, B3,C2;

  • Đại lý cửa hàng Viettel A17, D4;

  • Các câu lạc bộ vui chơi giải trí: Bóng bàn, Bida: A2, A9, BA4 và B5;

  • Thể hình: A6, A17, A18, B3, BA5, E1;

  • Sân bóng đá mini cỏ nhân tạo A2-A6;

  • CLB Karaoke, Café wifi, giải khát, giao lưu hát với nhau, truyền hình trực tiếp bóng đá A6, Hội trường CLB Sinh viên A16, Hội trường CLB sinh viên A1-A2; Màn hình led ngoài trời khu A;

  • CLB Sinh viên yêu thích điện ảnh với công nghệ chiếu phim 3D và HD, café nhà A16;

  • Vi tính kết nối Internet: Từ nhà A1 đến nhà A20 ở khu A, nhà B1, B2 và BA4 ở khu B; dịch vụ wifi phủ sóng trong toàn bộ Ký túc xá (bao gồm cả khu A và khu B), các phòng máy tính: A7, A10, A16, B5;

  • Tạp hoá, văn phòng phẩm, hàng lưu niệm: A2, A3, A5, A6, A8, A14, A17, A18 và siêu thị mini BA3, BA5, nhà sách ở khu B;

  • Dịch vụ cắt tóc A11, B2, D5-D6, E1;

  • Photocopy: A4 và A10, BA1, BA3, B2, E1;

  • Dịch vụ sửa, rửa xe tại Nhà A20 và A1-A2, tầng hầm B4;

  • Các dịch vụ văn hóa, tổng hợp đặt tạme tầng trệt nhà BA3-BA5;

  • Siêu thị: T-Mart (D5), MiniStop, FamilyMart.

5. Các hoạt động ngoại khóa ngay trong Ký túc xá

Ban quản lý Ký túc xá rất quan tâm tới đời sống tinh thần của sinh viên thông qua nhiều chương trình ngoại khóa. Có thể kế đến các chương trình “Chào năm học mới”, “Vui tết đón xuân” nhân tết Dương lịch, “Mừng ngày thành lập Đoàn”…được tổ chức hàng năm.

Đêm nhạc “Chào năm mới” được tổ chức đều đặn hàng năm nhằm tạo sân chơi, giải trí cho các bạn sinh viên đang học tập tại KTX

Ngoài ra, cũng không ít các chương trình – ngày hội đặc biệt được tổ chức ngay tại Ký túc xá với sự tham gia của các ca sĩ nổi tiếng như Jack, Noo Phước Thịnh,…được KTX cùng các nhãn hàng mang đến đều đặn hàng năm dành cho sinh viên.

Đại nhạc hội Realme tổ chức ngay tại Ký túc xá khu A

Thông thường sẽ có 5 lớp võ được tổ chức cho sinh viên (ngay tại Ký túc xá) gồm Karatedo, Taekwondo, Vovinam, Wushu và Võ cổ truyền (Bình Định Sa Long Cương) với học phí cho mỗi môn võ là 20.000 đồng/SV/tháng. Trong số các môn võ thì Karatedo và Taekwondo thu hút đông đảo sinh viên theo học nhất (khoảng 100 SV/lớp). Đăng ký học ở các lớp SV chỉ cần tự “tậu” đồng phục với giá mỗi bộ dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng.

Xem thêm  TOP 10 xe máy phù hợp với sinh viên Làng Đại Học

Ngoài ra các hoạt động thể thao thường nhật như bóng đá, bóng chuyền vào buổi chiều tại các sân thể thao; buổi tối thì được thấy cảnh họp ma sói, đồ án, đàn hát, trượt ván, patin, guitar, sáo, tập võ…tại mọi ngóc ngách trong Ký túc xá cũng được diễn ra thường xuyên, tạo không khí náo nhiệt và góp phần không ít vào sự gắn kết của sinh viên sinh sống tại Ký túc xá ĐHQG TPHCM.

Đặc sản Ký túc xá khu A: Chuyên mục phát thanh của CLB Phát Thanh - Truyền Hình Sinh Viên KTX vào lúc 5h chiều hàng ngày.
Võ Taekwondo

6. Cách đi đến trường từ các khu Ký túc xá ĐHQG TPHCM dành cho sinh viên

4 phương án chính để đi học từ KTX tới trường là: Xe buýt, xe máy, xe ôm công nghệ, và đi bộ.

Xe buýt

Nếu đi xe buýt, từ KTX khu A bạn sẽ phải đi bộ một quãng đường (khoảng 500m tính từ cổng khu A) để tới trạm xe buýt (tạm gọi là trạm xe buýt khu A). Đây là điểm dừng đi – về của nhiều tuyến xe buýt phổ biến như xe số 8, 10, 30, 33, 52, 53, 50, 99.

Đối với Ký túc xá khu B, sinh viên sẽ dễ dàng di chuyển hơn khi cả bến xe buýt (ở cổng sau) và trạm xe buýt (ở cổng trước) đều rất gần, tuy nhiên ở đây chỉ có một vài tuyến như 33, 53 và 99 nên nếu bạn nào có nhu cầu đi vào một số địa điểm khác trong trung tâm thành phố thì phải nối chuyến tại các trạm xe buýt khác trong và ngoài khu vực.

Một điều đáng lưu ý, trong những giờ cao điểm, giờ đi học thì luôn có rất đông sinh viên đứng đợi đón xe buýt (sáng lẫn chiều) nên dễ dẫn đến tình trạng quá tải thường xuyên tại các trạm xe buýt trong khu vực. Vậy nên việc lựa chọn khung giờ cho hợp lý, hoặc thâm chí là lựa chọn các phương tiện di chuyển khác là một điều các bạn tân sinh viên nên cân nhắc.

Khung cảnh “quá tải” quen thuộc ở các trạm xe buýt sinh viên

>>Xem thêm: Ghi nhớ những chuyến xe buýt dành cho sinh viên Làng đại học Thủ Đức!

Xe máy và Xe ôm công nghệ

Với phương án di chuyển bằng xe máy cá nhân, các bạn sinh viên cũng không phải lo lắng quá nhiều về nơi gửi xe vì Ký túc xá cũng đã bố trí nhiều nhà giữ xe, đồng thời cũng có cả dịch vụ sửa xe ngay trong khuôn viên. Điều này sẽ phần nào khiến các bạn sinh viên yên tâm hơn trong việc bảo quản tài sản cá nhân tại Ký túc xá, tuy nhiên nhược điểm lớn nhất sẽ là về chi phí phát sinh cũng như các vấn đề liên quan khi các bạn tự di chuyển.

Một phương án nữa là việc di chuyển bằng xe ôm công nghệ như Grab, Gojek sẽ khắc phục được nhược điểm của xe buýt và xe máy nhưng đổi lại thì chi phí hàng ngày sẽ rất cao. Nếu di chuyển từ KTX tới các trường Đại học thì cũng sẽ tốn đâu đó tầm 15k/lượt trở lên. Chính vì những điều này mà ung dụng GoVNU của một bạn sinh viên Làng đại học được ra đời.

Khác với các ứng dụng còn lại, GoVNU kết nối những bạn không có xe và có nhu cầu “quá giang” với những bạn có xe máy nhưng đang muốn chở thêm ai đó để cùng nhau chia sẻ tiền xăng, điều đó khiến GoVNU luôn có mức giá thấp hơn các ứng dụng, thậm chí đôi khi còn ngang ngửa với giá đi xe buýt. Nhược điểm của GoVNU gói gọn trong 4 chữ: “lâu lâu mới mở”.

Ứng dụng GoVNU

Đi bộ

Chỉ nên áp dụng đối với sinh viên từ Ký túc xá khu A khi di chuyển đến các trường có khoảng cách không quá xa như ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc Tế.

Tham gia Group Làng Đại học vắng thấy bà để cập nhật thêm nhiều tin tức dành cho sinh viên hàng ngày các bạn nhé!

Cẩm nang sinh viên

#langfvn

| Bài viết liên quan:

Để lại bình luận
(Ghé thăm 31.672 lượt, 1 lượt trong hôm nay)
[efb_likebox fanpage_url="https://www.facebook.com/langfvn" locale="bn_IN" responsive="1" show_faces="1" show_stream="0" hide_cover="0" small_header="0" hide_cta="0"]